Chương trình tiếng Anh tiểu học sẽ có nhiều sách giáo khoa

 

Cho rằng chương trình tiếng Anh bậc tiểu học không cần rập khuôn theo một bộ sách giáo khoa, nhiều chuyên gia giáo dục kiến nghị giáo viên có thể chọn lựa nhiều bộ sách dựa trên một khung chương trình chung.

Tại buổi hội thảo về việc biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 do Đại học Sư phạm TP HCM tổ chức ngày 18/6, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM, cho biết trường đang biên soạn giáo trình tiếng anh i - Learn Smart Start nhằm phục vụ giảng dạy bậc tiểu học.

 

Theo tiến sĩ Hồng, giáo trình tiếng Anh i - Learn Smart Start được xây dựng với 5 cấp độ. Ngoài việc bám sát khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo trình sẽ được mở rộng thêm các nội dung phù hợp với người Việt Nam, có những bài hát vui nhộn, hình ảnh sinh động, các mẫu truyện tranh lôi cuốn và cả những trò chơi hấp dẫn phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Và đây sẽ là một trong những bộ sách giáo khoa dùng cho việc dạy tiếng Anh bậc tiểu học. 

unnamed-3525-1434634802.jpg

 

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ giúp giáo viên có những lựa chọn phù hợp cho việc dạy học.

Nhận xét về sách giáo khoa tiếng Anh của bậc tiểu học, bà Nguyễn Phương Thùy, chuyên viên tiếng Anh Vụ tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm nay Vụ sẽ nghiệm thu và bàn giao chương trình tiếng Anh tiểu học hệ 10 năm. Theo đó, tiếng Anh tiểu học được xây dựng theo một khung chương trình chung nhưng sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy học.

 

Từ trước tới nay, theo bà Thùy, giáo viên thường xem sách giáo khoa là kiến thức chuẩn bắt buộc phải dạy. Nhưng trên thực tế thì chương trình dạy mới là khung bắt buộc còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. "Giáo viên có thể chọn nhiều bộ sách giáo khoa để giảng dạy sao cho đảm bảo được chương trình và lượng kiến thức cần thiết cho học sinh", bà Thùy nêu.

 

Đồng ý với việc đa dạng sách giáo khoa cho chương trình dạy tiểu học, ông Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho hay, hiện trên thị trường có rất nhiều chương trình, phần mềm dạy ngoại ngữ trẻ em chỉ cần chịu khó là có thể học rất giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, đối với những người làm giáo dục thì phải xây dựng một chương trình có tính hệ thống, không nên bị ảnh hưởng bởi tính thị trường, làm theo kiểu "mì ăn liền".

 

"Nhiều bộ sách, nhiều chương trình nhưng chúng ta cần xây dựng cho nó bài bản, có tính hệ thống và những người làm chương trình phải có trách nhiệm với học sinh", ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, trẻ con Việt Nam bị ảnh hưởng bởi lối sống gia đình, địa phương nên nhiều nơi ngôn ngữ chưa đúng chuẩn, cần xây dựng một chương trình mang chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, ông Minh vẫn cho rằng ngoài sách giáo khoa thì đội ngũ cán bộ giáo viên cũng cần được đào tạo cho phù hợp với những đổi mới của chương trình.

 

Còn theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM, ở sách giáo khoa tiếng Anh bậc tiểu học việc lồng ghép nội dung có mang văn hóa Việt Nam vào bài học phải cần nhắc kỹ. Nếu tập trung quá nhiều vào văn hóa Việt Nam thì những kiến thức giúp các em hội nhập quốc tế sẽ bị bỏ trống.

"Mục đích lớn nhất của sách giáo khoa tiếng Anh là làm sao giúp các em học có hiệu quả còn việc dạy văn hóa Việt Nam sẽ do những bộ môn khác đảm nhận", tiến sĩ Hùng chia sẻ.

 

Cũng nhận xét về chương trình sách giáo khoa do Đại học Sư phạm TP HCM đưa ra, GS.Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia ban cố vấn đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 - cho rằng việc giảng dạy và biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh là hai việc khác nhau. Giáo viên giỏi không có nghĩa là sẽ soạn ra những chương trình tốt nên cần cân nhắc kỹ việc chọn lựa người soạn chương trình. 

"Có một thực tế là học sinh lớp 1 chưa nói thông viết thạo tiếng Việt đã phải làm những bài tập đọc, tập viết bằng tiếng Anh trong đó có nhiều câu xa lạ với ngôn ngữ Việt Nam", ông Hùng nói và cho rằng cần có cả những chuyên gia người Việt và người Anh để cùng ngồi lại, soạn sách thì mới đưa ra được chương trình phù hợp. 

 

Ông Hùng cũng bày tỏ quan ngại về một thực tế là hiện nay có nhiều chương trình được soạn ra mà không cần biết học sinh tiếp cận đến đâu và sử dụng được bao nhiêu phần phần trăm. Chính điều này khiến nhiều trường tiểu học có chất lượng ảo trong việc giảng dạy tiếng Anh. "Ngoài ra, trình độ của giáo viên tiểu học chưa cao, đặc biệt là về phương pháp giảng dạy. Để chương trình tiếng Anh có hiệu quả thì chúng ta cần đào tạo, tập huấn giáo viên", ông Hùng nói.

Xem thêm

 

Xem thêm

* Để đảm bảo Quí khách tải phần mềm tương thích với sách, vui lòng nhập đường link ở sau bìa sách vào ô bên dưới, sau đó click Go.

http://smartstart.i-learn.vn/
* Nếu không có sách thì download trực tiếp ở đây