Tầm quan trọng của công nghệ tương tác trong giảng dạy Tiếng Anh
Ứng dụng công nghệ tương tác: Xu hướng mới của giáo dục
Ngày nay, công nghệ tương tác không còn là thuật ngữ xa lạ với chúng ta bởi lẽ nó có mặt mọi lúc, mọi nơi và từng bước xuất hiện trong mọi lĩnh vực ngành nghề. Được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ tương tác không chỉ có mặt trong việc quản lý dữ liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn là phương thức nền tảng để ứng dụng trong giáo dục – ngành nghề mang tính đặc thù riêng khi chú trọng khai thác khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh.
Chính đặc thù đó đã hướng các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin của ngành giáo dục phải không ngừng đổi mới và cập nhật liên tục đáp ứng được tình hình dạy học tại Việt Nam nói chung, cũng như nhu cầu giảng dạy mới của giáo viên nói riêng. Điều này có nghĩa là CNTT phải giúp người dạy tiết kiệm được thời gian soạn giáo án, tích hợp nhiều hiệu ứng mới trong giáo trình điện tử, đồng thời thay đổi phương thức truyền đạt theo hướng một chiều đọc chép để gợi mở cho học sinh khả năng tư duy, phản biện, khơi gợi niềm sáng tạo cũng như hứng thú trong học tập.
Để làm được điều đó, các sản phẩm ứng dụng CNTT trong giáo dục phải thỏa các yêu cầu như: tích hợp song song dữ liệu và hình ảnh, mang tính đa phương tiện, khai thác tối đa tính tiện lợi, nhanh chóng của công nghệ số… Tuy nhiên, việc áp dụng CNTT nói chung và công nghệ tương tác nói riêng trong giáo dục Việt Nam chỉ mới là bước khởi đầu và chỉ xuất hiện ở những thành phố lớn chứ chưa mang tính phổ cập cao. Điều này đòi hỏi phải có sự chung tay giữa nhà trường, phụ huynh, học sinh lẫn các tổ chức kinh tế, xã hội để đẩy mạnh nhu cầu số hóa trong công tác giảng dạy tại nước ta.
Tích hợp giảng dạy tiếng Anh với các sản phẩm ứng dụng công nghệ tương tác
Giảng dạy tiếng Anh trong các bậc học thuộc hệ thống giáo dục Việt Nam đang đứng trước xu thế đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tốt nhất cho học sinh. Nhìn chung bức tranh tổng quan của việc dạy tiếng Anh trong các trường học tại nước ta thì vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập từ khâu đào tạo giáo viên, tập huấn giảng dạy cho đến việc chọn lựa những giáo trình phù hợp với năng lực của người học. Tuy nhiên, xu hướng tích hợp công nghệ tương tác trong giảng dạy là bước đi cần thiết để đẩy mạnh công tác đào tạo ngoại ngữ cho học sinh ngay từ bậc học cơ bản nhất.
Cụ thể hơn, các sản phẩm công nghệ thông tin được viết riêng cho việc dạy tiếng Anh phải được đầu tư bài bản từ khâu thu thập tài liệu từ các đơn vị giáo dục, xuất bản uy tín trong và ngoài nước, đồng thời được thẩm định và phê duyệt từ các Sở/Ban/Ngành đến quá trình tích hợp các phần mềm bổ trợ để khơi dậy cho người học khả năng học tập theo hướng tương tác đa chiều, đa giác quan.
Điểm mạnh của việc áp dụng công nghệ tương tác trong dạy và học tiếng Anh là giúp học sinh không nhàm chán với những bài học có cấu trúc khô cứng, thiên về từ vựng, ngữ pháp theo cách truyền thống. Thay vào đó người học sẽ được tiếp cận thế giới trực quan sinh động bằng hình ảnh, âm thanh, màu sắc cũng như tương tác với những nhân vật sống động từ truyện tranh, truyện kể, các lớp học trực tuyến hay khám phá thế giới ảo phong phú từ Internet. Điều này sẽ giúp khơi dậy niềm đam mê từ học sinh, khiến thầy và trò đều hứng khởi với việc dạy và học, từ đó đem lại những kết quả học tập tốt nhất.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, việc ứng dụng công nghệ tương tác không chỉ là điều kiện cần nữa mà hiện nay, nó đang trở thành hướng đi tất yếu của giáo dục Việt Nam và cần phải nhân rộng mô hình này tại các trường học trên cả nước, bao gồm cả hệ thống trường công lập, tư thục lẫn các trường quốc tế.
Nguồn: Báo Giáo Dục TPHCM
Xem thêm
Xem thêm